Đại học

Hiện nay Khoa CNNL có 3 ngành đào tạo đại học là Ngành Công nghệ kỹ thuật năng lượng, Kỹ thuật nhiệt và Công nghệ kỹ thuật môi trường.

  1. Ngành Công nghệ kỹ thuật năng lượng

Mã ngành: 7510403

Trình độ đào tạo: Đại học chính quy hệ kỹ sư

Bằng tốt nghiệp được cấp: Kỹ sư

Thời gian đào tạo: 4,5 năm

Chuyên ngành đào tạo: Năng lượng tái tạo

Mục tiêu đào tạo:

Chương trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật Năng lượng trình độ Đại học nhằm trang bị cho người học sự phát triển toàn diện: có phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực thực hành nghề nghiệp, như khả năng tính toán, thiết kế, lắp đặt, vận hành, đại tu, bảo dưỡng các thiết bị trong các dự án năng lượng truyền thống, năng lượng mới và tái tạo, có tiềm năng phát triển và khả năng thích ứng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ mới.

Chuẩn đầu ra:

Kiến thức:

Trang bị cho sinh viên các kiến thức cần thiết về khoa học cơ bản như Toán, Lý, Hóa; các kiến thức cơ sở ngành năng lượng – kỹ thuật điện, điện tử, điều khiển; đáp ứng việc tiếp thu các kiến thức giáo dục chuyên nghiệp và khả năng học tập ở trình độ đại học sau này; cũng như các kiến thức ngành năng lượng, năng lượng tái tạo để có thể vận hành, bảo dưỡng hoặc tham giao tính toán thiết kế các bộ phận trong các dự án năng lượng mới và tái tạo. Ngành Công nghệ Kỹ thuật năng lượng có các nhiệm vụ chủ yếu: Thiết kế, chế tạo và điều khiển vận hành tối ưu thiết bị và hệ thống năng lượng; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ứng dụng các dạng năng lượng tái tạo.

Kỹ năng:

- Tính toán thiết kế, vận hành, bảo dưỡng được các bộ phận liên quan trong các dự án năng lượng mới và tái tạo đi đôi với sử dụng năng lượng hiệu quả

- Thực hiện các khâu thiết kế, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, quản lý và vận hành trong các nhà máy và dự án khác có liên quan đến ngành năng lượng nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng;

- Có khả năng làm việc độc lập và theo nhóm;

- Có kiến thức ngoại ngữ nhất định trong tham khảo tài liệu chuyên môn và giao tiếp (tương đương bậc 3/6 khung Châu Âu).

Vị trí làm việc sau khi tốt nghiệp:

Sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật năng lượng là những ứng cử viên sáng giá cho các công việc tư vấn, thiết kế, điều khiển, giám sát, quản lý, giảng dạy, nghiên cứu v.v, trong hầu hết các tổ chức có liên quan tới giảng dạy, nghiên cứu, tư vấn, sản xuất, lưu trữ, truyền tải và sử dụng năng lượng. Một số ví dụ về nơi làm việc của sinh viên năng lượng như:

- Kỹ thuật viên trình độ đại học tại các nhà máy điện, dự án năng lượng mới và tái tạo;

- Các chuyên viên trong các cơ quan quản lý nhà nước liên quan tới năng lượng;

- Kỹ sư thiết kế, lắp đặt, khai thác và bảo dưỡng sửa chữa các thiết bị trong các dự án năng lượng, năng lượng tái tạo;

- Giảng viên, nghiên cứu viên tại các trường đại học, các viện nghiên cứu.

2. Ngành Kỹ thuật Nhiệt

Tên tiếng Việt: Kỹ thuật Nhiệt

Tên tiếng Anh: Thermal Engineering

Mã số ngành đào tạo: 7520115

Thời gian đào tạo: 4,5 năm

Gồm các chuyên ngành: Điện lạnh, Nhiệt điện, Nhiệt công nghiệp

1. Mục tiêu đào tạo

1.1. Mục tiêu chung

Đào tạo kỹ sư Kỹ thuật Nhiệt có phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khoẻ tốt; có kiến thức nền tảng vững chắc; có trình độ chuyên môn vững vàng và kỹ năng thành thạo trong lĩnh vực khoa học Kỹ thuật Nhiệt - Lạnh; có năng lực phối hợp chuyên môn, làm việc theo nhóm trong môi trường làm việc đơn ngành và đa ngành; có tư duy độc lập, sáng tạo và năng lực tự học tập bổ sung kiến thức đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

1.2. Mục tiêu cụ thể

1.2.1. Kiến thức

- Các kiến thức cơ bản về toán và khoa học tự nhiên, đáp ứng các yêu cầu bắt buộc của khối ngành kỹ thuật;

- Các kiến thức cơ bản về xã hội, khoa học chính trị và pháp luật của Nhà nước;

- Kiến thức sâu, rộng về nhiệt động kỹ thuật, truyền nhiệt, thiết bị trao đổi nhiệt, bơm - quạt - máy nén;

- Kiến thức chuyên sâu về công nghệ nhà máy nhiệt điện (chuyên ngành Nhiệt điện);

- Kiến thức chuyên sâu về công nghệ làm lạnh, điều hòa không khí và vệ sinh công nghiệp (chuyên ngành Điện lạnh và Nhiệt công nghiệp);

- Kiến thức chuyên sâu về các loại lò công nghiệp, hệ thống sấy, hệ thống cung cấp năng lượng nhiệt;

- Kiến thức về công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc chuyên môn ngành Nhiệt - Lạnh;

- Kiến thức cơ bản về phương pháp nghiên cứu khoa học phục vụ công việc nghiên cứu cũng như công việc giảng dạy chuyên môn ngành Nhiệt - Lạnh;

- Đạt trình độ ít nhất 1 ngoại ngữ (Anh, Trung, Nhật) tương đương B1 khung châu Âu.

1.2.2. Kỹ năng

- Khả năng tư duy độc lập, sáng tạo, có logic và hệ thống;

- Khả năng lập luận phân tích, giải quyết và đánh giá các vấn đề kỹ thuật liên quan của ngành Nhiệt - Lạnh;

- Kỹ năng sử dụng thành thạo các phần mềm, công cụ máy tính hỗ trợ trong công việc chuyên môn;

- Giao tiếp hiệu quả bằng các hình thức viết báo cáo, trình bày, thảo luận, đàm phán ở tư thế làm chủ tình huống;

- Sử dụng thành thạo và hiệu quả các phương tiện, thiết bị công nghệ;

- Kỹ năng khai thác, thu thập thông tin liên quan đến công việc để xử lý và ra quyết định kịp thời;

- Khả năng lãnh đạo, tổ chức và làm việc theo nhóm đơn ngành và đa ngành;

- Có kỹ năng cơ bản sử dụng ít nhất 1 ngoại ngữ (Anh, Trung, Nhật) trong việc đọc tài liệu, viết báo cáo, thuyết trình và giao tiếp trong công việc chuyên môn.

1.2.3. Thái độ

- Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của Nhà nước;

- Sẵn sàng đóng góp chuyên môn cho cộng đồng, xã hội;

- Có ý thức tổ chức, kỷ luật lao động cao;

- Có đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp;

- Trung thực, cẩn thận.

2. Cơ hội việc làm sau tốt nghiệp

2.1. Các vị trí làm việc

- Kỹ sư thiết kế, lập dự toán;

- Cán bộ quản lý dự án;

- Kỹ sư tư vấn thiết kế, tư vấn lắp đặt;

- Giám sát thi công, chỉ huy công trường;

- Kỹ sư vận hành, bảo trì, bảo dưỡng;

- Kỹ sư kiểm định, đánh giá các hệ thống thiết bị, công trình;

- Nhân viên kinh doanh, bán hàng theo dự án;

- Nghiên cứu viên hoặc giảng viên.

2.2. Các cơ quan, đơn vị, nơi kỹ sư Kỹ thuật Nhiệt có thể làm việc

Kỹ sư Kỹ thuật Nhiệt có thể làm việc ở hầu khắp các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế quốc dân thuộc sở hữu nhà nước cũng như tư nhân, như các viện nghiên cứu, trường đại học, các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty liên doanh, công ty vốn đầu tư nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia. Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Nhiệt điện và Điện lạnh thuộc ngành Kỹ thuật Nhiệt của Trường ĐH Điện lực, hiện đang làm việc tại các đơn vị sau đây:

- Các nhà máy nhiệt điện: Phả Lại, Uông Bí, Thăng Long, Cẩm Phả, Mông Dương 1, Mông Dương 2, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nghi Sơn, Vũng Áng, Vĩnh Tân, Duyên Hải, …

- Công ty lắp máy công nghiệp Lilama, Công ty thí nghiệm điện Miền Bắc, …

- Các hãng sản xuất điều hòa, máy lạnh nổi tiếng: Daikin, LG, Mitsubishi, …

- Các công ty, nhà thầu cơ điện uy tín: Sigma, Hawee, …

- Và rất, rất nhiều các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh liên quan đến ngành Nhiệt – Lạnh.

2.3. Các công việc mà kỹ sư Kỹ thuật Nhiệt có thể đảm nhiệm

- Tính toán thiết kế, tính toán kiểm tra và đánh giá các hệ thống thiết bị của nhà máy nhiệt điện; các hệ thống thiết bị làm lạnh, làm đông trong các nhà máy đường, sữa, bia rượu, bánh kẹo, chế biến thực phẩm, chế biến nông thủy sản, ... ; các hệ thống thông gió, điều hòa không khí trong các nhà máy công nghiệp, các nhà ga, khách sạn, tòa nhà cao tầng, nhà hát, rạp chiếu, trung tâm hội nghị, ... ;

- Tính toán thiết kế, tính toán kiểm tra và đánh giá các lò hơi và hệ thống cung cấp nhiệt sử dụng trong các nhà máy công nghiệp như mía đường, phân đạm, hóa chất, giấy, sợi dệt, ... ;

- Tính toán thiết kế, tính toán kiểm tra và đánh giá các loại lò công nghiệp như lò luyện gang, lò luyện thép, lò nấu thủy tinh, lò nung thép cán, lò nung gốm sứ, lò quay sản xuất xi măng, lò đốt rác, lò sinh khí, ... ;

- Tính toán thiết kế, tính toán kiểm tra và đánh giá các hệ thống sấy công nghiệp như sấy gỗ, sấy nông sản, ... ;

- Kiểm toán năng lượng cho các hệ thống thiết bị ở các nhà máy công nghiệp, nhà ga, khách sạn, nhà hát, ...;

- Vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa các hệ thống thiết bị nhà máy nhiệt điện; các hệ thống thiết bị làm lạnh, làm đông; các hệ thống thiết bị thông gió, điều hòa không khí;

- Giám sát thi công các công trình nhà máy nhiệt điện; nhà máy làm lạnh, làm đông; các công trình thông gió và điều hòa không khí;

- Tư vấn, bán hàng các sản phẩm, thiết bị, máy móc ngành Nhiệt - Lạnh;

- Nghiên cứu, giảng dạy chuyên môn trong các viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng có liên quan đến chuyên ngành Nhiệt - Lạnh.

Thông tin tham khảo thêm về ngành Kỹ thuật Nhiệt:

https://www.huongnghiepviet.com/v3/huong-nghiep/nganh-nghe/ky-thuat-cong-nghe/11587-nganh-ky-thuat-nhiet

https://tuyensinhso.vn/nhom-nganh-dao-tao/nganh-ky-thuat-nhiet-c16804.html

https://timviec365.vn/blog/nganh-ky-thuat-nhiet-new9445.html

 

3. Ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường

Mã ngành: 7510406

Trình độ đào tạo: Đại học chính quy hệ kỹ sư .

Bằng tốt nghiệp được cấp: Kỹ sư

Thời gian đào tạo: 4,5 năm

Các chuyên ngành đào tạo: Quản lý môi trường công nghiệp và đô thị; Công nghệ môi trường và Sản xuất năng lượng

Mục tiêu đào tạo:

Chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường nhằm cung cấp cho sinh viên kiến thức cơ bản và toàn diện về môi trường, công nghệ, kỹ thuật môi trường.

Kỹ sư Công nghệ kỹ thuật môi trường có kiến thức và kỹ năng giải quyết các vấn đề về môi trường phát sinh trong sản xuất, khắc phục và giảm thiểu ô nhiễm, xử lý môi trường kết hợp sản xuất năng lượng sạch bền vững.

Chuẩn đầu ra:

Kiến thức:

Trang bị cho sinh viên các kiến thức cơ sở ngành đáp ứng việc tiếp thu các kiến thức giáo dục chuyên nghiệp và khả năng học tập ở trình độ đại học sau này.

Trang bị các kiến thức chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường để có thể vận dụng vào công việc chuyên môn hướng tới bảo vệ môi trường.

Kỹ năng:

- Nắm vững lý thuyết, thực hành thành thạo, có thể áp dụng vào xây dựng và quản lý các dự án môi trường và năng lượng

- Phân tích, ứng dụng, thiết kế, chế tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và triển khai các hệ thống kỹ thuật môi trường, các hệ thống xử lý chất thải kết hợp phát sinh năng lượng bền vững

- Có các kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tổ chức, quản lý và vận hành, khả năng tự học, thích nghi và phát triển trong các môi trường làm việc khác nhau.

- Có kiến thức ngoại ngữ nhất định trong tham khảo tài liệu chuyên môn và giao tiếp.

Vị trí làm việc sau tốt nghiệp:

Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường ra trường sẽ làm việc ở những vị trí như sau: 

- Thiết kế và vận hành hệ thống xử lý chất thải, hệ thống xử lý chất thải kết hợp sản xuất năng lượng

- Quan trắc và phân tích các chỉ tiêu môi trường.

- Tư vấn và lập các báo cáo về Bảo vệ môi trường như đánh giá tác động môi trường (ĐTM), đánh giá môi trường chiến lược (DMC)...

- Xây dựng các quy trình Giám sát An toàn-Sức khỏe-Môi trường (HSE), ISO, OHSAS,…

Các cơ quan và tổ chức sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc:

- Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ

- Vụ Môi trường hoặc Vụ Khoa học và Công nghệ Môi trường tại các Bộ ngành

- Sở Tài nguyên và Môi trường tại các tỉnh thành và Phòng Tài nguyên môi trường tại các quận huyện

- Các Trung tâm quan trắc môi trường tại các Viện nghiên cứu

- Các Phòng an toàn lao động, cảnh sát môi trường, cảnh sát biển

- Các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp trên toàn quốc

- Các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ liên quan tới môi trường trong và ngoài nước

- Các công ty, nhà máy xí nghiệp có hoạt động quản lý và xử lý chất thải, sản xuất năng lượng