Thạc sĩ

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO THẠC SĨ KỸ THUẬT NĂNG LƯỢNG

1. Mục tiêu đào tạo

1.1. Mục tiêu chung:

Giúp học viên nắm vững lý thuyết, có trình độ cao về thực hành, tạo khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và có năng lực phát hiện, giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành Kỹ thuật năng lượng, cụ thể là lĩnh vực Nhiệt điện, Thuỷ điện, Điện lạnh và Năng lượng tái tạo.

 1.2. Mục tiêu cụ thể

            1.2.1. Kiến thức

Học viên được trang bị các kiến thức nâng cao đối với các môn học cơ sở ngành kỹ thuật năng lượng như truyền nhiệt ứng dụng, đo lường và điều chỉnh các quá trình nhiệt... Đối với các môn học chuyên ngành như: Kỹ thuật cháy tiên tiến, lò hơi, điều khiển hệ thống lạnh và điều hoà không khí, kỹ thuật sấy ứng dụng, tính toán thiết kế hệ thống điều hoà không khí theo phương pháp mới, năng lượng tái tạo, điện mặt trời ... học viên được trang bị các kiến thức chuyên sâu. Bên cạnh những kiến thức cơ sở và chuyên ngành, học viên còn được trang bị những kiến thức cập nhật, nhưng phương pháp mới phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ trong lĩnh vực năng lượng như: Điện gió, mặt trời, các nguồn năng lượng tái tạo khác, thiết bị trao đổi nhiệt kiểu mới, tiết kiệm năng lượng trong hệ thống nhiệt lạnh, đánh giá các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật trong vận hành nhà máy nhiệt điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả...

            1.2.2. Kỹ năng

Sau khi tốt nghiệp, học viên có đủ năng lực và kỹ năng cần thiết chủ trì các dự án nghiên cứu, phát triển, thiết kế chế tạo thử nghiệm, quản lý, tối ưu hoá vận hành, có khả năng phân tích và lựa chọn phương pháp tiếp cận và giải quyết các bài toán kỹ thuật liên quan tới các thiết bị năng lượng trong các nhà máy điện, các công trình công nghiệp và dân dụng của nhiều lĩnh vực ứng dụng khác nhau trong các ngành kinh tế quốc dân.

1.2.3.Về năng lực:

Trước hết, học viên sau khi tốt nghiệp có đủ khả năng làm việc với các Với đối tượng phục vụ là các hệ thống máy và thiết bị có sử dụng năng lượng nhiệt trong tất cả các ngành công nghiệp và sản xuất điện, tiếp theo là làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các cơ quan quản lý khoa học công nghệ hoặc tham gia giảng dạy và nghiên cứu trong các Viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp có liên quan tới chuyên ngành kỹ thuật năng lượng.

1.2.4. Về nghiên cứu:

Học viên có khả năng tiếp tục nghiên cứu và tiếp tục theo học Tiến sĩ theo nhiều hướng khác nhau như: Kỹ thuật năng lượng, kỹ thuật nhiệt lạnh, máy nhiệt, quản lý năng lượng, tối ưu hoá quá trình nhiệt, năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió v.v. Học viên được hướng dẫn và rèn luyện phương pháp nghiên cứu và tư duy khoa học, bước đầu có khả năng độc lập nghiên cứu.

1.2.5. Về đạo đức nghề nghiệp:

Có phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khoẻ tốt. Yêu thích và tâm huyết với nghề đã chọn, đáp ứng được yêu cầu công tác cho mọi thành phần kinh tế, mọi doanh nghiệp về lĩnh vực Kỹ thuật năng lượng.

1.2.6. Về vị trí làm việc sau khi tốt nghiệp

Học viên tốt nghiệp cao học ngành Kỹ thuật năng lượng là những ứng cử viên sáng giá cho các công việc tư vấn, thiết kế, điều khiển, giám sát, quản lý, giảng dạy, nghiên cứu v.v, trong hầu hết các tổ chức có liên quan tới giảng dạy, nghiên cứu, tư vấn, sản xuất, lưu trữ, truyền tải và sử dụng năng lượng. Một số ví dụ về nơi làm việc sau khi tốt nghiệp của học viên cao học ngành kỹ thuật năng lượng như:

- Chuyên viên tại các nhà máy điện, dự án năng lượng mới và tái tạo;

- Các chuyên viên trong các cơ quan quản lý nhà nước liên quan tới năng lượng;

- Tư vấn, thiết kế, triển khai các dự án năng lượng, năng lượng tái tạo;

- Giảng viên, nghiên cứu viên tại các trường đại học, các viện nghiên cứu.

2. Chuẩn đầu ra: Về kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và chịu trách nhiệm

2.1. Chuẩn đầu ra chung

 

Ký hiệu

Nội dung

Kiến thức

SO1

Hiểu và vận dụng tốt các kiến thức, công cụ tiên tiến trong lĩnh vực kỹ thuật năng lượng vào công việc chuyên môn

SO2

Có khả năng hiểu và vận dụng các kiến thức khoa học tự nhiên, toán để phân tích và giải quyết các vấn đề kỹ thuật liên quan tới hệ thống năng lượng, điện-nhiệt bao gồm cả năng lượng tái tạo

SO3

Có khả năng áp dụng các kiến thức về kỹ thuật, và quản trị trong việc quản lý dự án năng lượng

Kỹ năng

SO4

Có khả năng thiết kế các hệ thống, các phần tử, hoặc các quy trình công nghệ trong lĩnh vực kỹ thuật năng lượng

SO5

Có kỹ năng làm việc hiệu quả với vai trò là thành viên hoặc nhóm trưởng trong một nhóm kỹ thuật, nhóm nghiên cứu.

SO6

Có kỹ năng phát hiện các vấn đề trong lĩnh vực kỹ thuật năng lượng; phân tích và giải quyết chúng;

SO7

Có kỹ năng tìm kiếm và sử dụng các tài liệu kỹ thuật phục vụ cho công việc; có khả năng tự nghiên cứu giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực năng lượng;

Năng lực tự chủ và trách nhiêm

SO8

Hiểu biết về những ảnh hưởng, tác động của các giải pháp công nghệ kỹ thuật tới xã hội và toàn cầu.

SO9

Có ý thức về đảm bảo chất lượng, tiến độ và liên tục cải tiến trong công việc.

SO10

Có đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp cao, tôn trọng sự khác biệt;

SO11

Có ý thức không ngừng học hỏi và trau dồi nghề nghiệp, có khả năng tự định hướng để phát triển sự nghiệp

SO12

Có trình độ tiếng Anh bậc 4/6 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam hoặc tương đương

2.2. Chuẩn đầu ra riêng cho từng định hướng:

 

Ký hiệu

Chuẩn đầu ra

Định hướng ứng dụng

SO13

Có khả năng sử dụng thành thạo các phần mềm chuyên ngành để mô phỏng, tính toán giải quyết các bài toán năng lượng thực tế;

SO14

Có khả năng lập, triển khai các dự án tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng.

Định hướng nghiên cứu

SO15

Có kiến thức khoa học cơ bản chuyên sâu để giải quyết các bài toán phức tạp trong lĩnh vực kỹ thuật năng lượng;

SO16

Có khả năng lập trình các thuật toán ứng dụng trong lĩnh vực kỹ thuật năng lượng;

SO17

Có khả năng lập, triển khai các đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực năng lượng.

 

3. Đối với người dự tuyển

3.1. Đối tượng tuyển sinh:

- Giảng viên của các trường cao đẳng thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn than khoáng sản, các trường Cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề thuộc Bộ Công thương;

- Giảng viên tham gia giảng dạy các môn về Kỹ thuật năng lượng, Nhiệt điện, Nhiệt lạnh trong các trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc;

- Đội ngũ cử nhân, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật đang công tác tại Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc, Tổng Công ty Điện lực Miền trung, Tổng công ty Điện lực TP HCM và Tổng công ty Điện lực Miền Nam,... các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Bộ Công thương;

- Đội ngũ nghiên cứu viên thuộc các viện, các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng về Kỹ thuật năng lượng trong toàn quốc;

- Sinh viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành Kỹ thuật năng lượng, và các ngành đúng từ các trường Đại học trong toàn quốc.

3.2. Yêu cầu đối với người dự tuyển

- Tốt nghiệp Đại học, có văn bằng tốt nghiệp cùng ngành hoặc gần ngành (theo Thông tư số 10/2011/TT-BGDĐT ngày 28/02/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

- Đối với những học viên thuộc các ngành gần, để được dự thi tuyển, cần phải hoàn thành và có xác nhận về các chứng chỉ bổ túc kiến thức đã quy định.

- Các môn thi tuyển bao gồm:

          + Ngoại ngữ: Tiếng Anh

          + Môn cơ bản: Toán cao cấp

          + Môn chuyên ngành: Kỹ thuật nhiệt

3.3. Danh mục các ngành gần, ngành phù hợp với chuyên ngành

Ngành đúng, phù hợp: Tốt nghiệp các chuyên ngành thuộc ngành Kỹ thuật nhiệt, Công nghệ kỹ thuật nhiệt, Năng lượng tái tạo, Công nghệ kỹ thuật năng lượng (đào tạo thí điểm), Kỹ thuật năng lượng (đào tạo thí điểm), và các ngành có tên khác thuộc lĩnh vực năng lượng nhưng chương trình đào tạo khác dưới 10% tổng số tiết học hoặc đơn vị học trình hoặc tín chỉ của khối kiến thức ngành so với chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Công nghệ kỹ thuật năng lượng của Trường Đại học Điện lực. Đối với nhóm này thì không cần học bổ sung kiến thức.

Ngành gần: Tốt nghiệp đại học thuộc các lĩnh vực gần với lĩnh vực kỹ thuật năng lượng như:

Nhóm ngành gần 1:

  • Kỹ thuật cơ khí
  • Kỹ thuật cơ điện tử
  • Kỹ thuật điện
  • Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa
  • Kỹ thuật điện tử - viễn thông
  • Công nghệ kỹ thuật cơ khí
  • Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử
  • Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, viễn thông

Nhóm ngành gần 2:

  • Kỹ thuật hạt nhân
  • Công nghệ kỹ thuật hạt nhân
  • Vật lý kỹ thuật
  • Kỹ thuật vật liệu
  • Công nghệ kỹ thuật vật liệu
  • Công nghệ kỹ thuật môi trường
  • Các ngành khác các lĩnh vực trên nhưng chương trình đào tạo khác từ 10% đến 40% tổng số tiết tiết học hoặc đơn vị học trình hoặc tín chỉ của khối kiến thức ngành so với chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Công nghệ Kỹ thuật năng lượng của Trường Đại học Điện lực.

Với đối tượng tốt nghiệp các chuyên ngành thuộc nhóm ngành gần, được dự thi sau khi đã có chứng chỉ bổ túc kiến thức với chương trình 5 học phần tương ứng (10 TC).

Ngành khác: Đã tốt nghiệp đại học các ngành khác các ngành được liệt kê ngành gần ở trên thì được xem xét cụ thể (nhóm 3).

Khoa CNNL