Tiến sĩ

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TIẾN SĨ

CHUYÊN NGÀNH KỸ THUẬT NĂNG LƯỢNG

Tên chương trình: Chương trình đào tạo Tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật năng lượng

Trình độ đào tạo:      Tiến sĩ

Chuyên ngành đào tạo: Kỹ thuật năng lượng (Energy Engineering)

Mã chuyên ngành:   Thí điểm

1. Mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra

1.1. Mục tiêu chung

Trang bị cho người học có kiến thức thực tế và lý thuyết tiên tiến, chuyên sâu ở vị trí hàng đầu của chuyên ngành kỹ thuật năng lượng; có kỹ năng tổng hợp, phân tích thông tin, phát hiện và giải quyết vấn đề một cách sáng tạo; có kỹ năng tư duy, nghiên cứu độc lập, độc đáo, sáng tạo tri thức mới; có kỹ năng truyền bá, phổ biến tri thức, thiết lập mạng lưới hợp tác quốc gia và quốc tế trong quản lý, điều hành hoạt động chuyên môn; thể hiện năng lực sáng tạo, có khả năng tự định hướng và dẫn dắt chuyên môn, khả năng đưa ra các kết luận, khuyến cáo khoa học mang tính chuyên gia.     

1.2. Mục tiêu cụ thể

Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật năng lượng, các NCS đạt Bậc 8 của Khung trình độ quốc gia Việt Nam được phê duyệt tại Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:

  1. Kiến thức
  • Có kiến thức chuyên sâu cho lĩnh vực phát triển các cách tiếp cận, phương pháp, kỹ thuật năng lượng: Công nghệ, kỹ thuật năng lượng nhiệt, năng lượng mới và tái tạo, hệ thống năng lượng tích hợp (nhiệt – điện – tái tạo), công nghệ kỹ thuật sử dụng năng lượng bền vững, và hệ thống năng lượng thông minh (Internet of Energy, Smart Energy System, Sustainable energy systems,....), …
  • Tiếp cận và nghiên cứu những vấn đề khoa học có tính thời sự đang được các nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm.
  • Tiếp thu vấn đề khoa học một cách hệ thống nhằm giải quyết tổng thể các vấn đề lý thuyết và thực tế;
  • Có trình độ chuyên môn cao và chuyên sâu, có khả năng nghiên cứu các lĩnh vực của chuyên ngành, có phương pháp tư duy khoa học.

b) Kỹ năng

  • Có kỹ năng về tư duy logic, khả năng sáng tạo.
  • Có kỹ năng tìm kiếm và chọn lọc các tài liệu khoa học có giá trị phục vụ mục đích nghiên cứu.
  • Có kỹ năng phân tích bài toán và đề xuất các phương pháp mới giải quyết bài toán trong lĩnh vực năng lượng.
  • Có kỹ năng trình bày các vấn đề, công trình nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực năng lượng dưới dạng bài báo khoa học, giáo trình giảng dạy, báo cáo kỹ thuật,...  
  • Có kỹ năng tốt về tiếng Anh, có thể giao tiếp, thảo luận với các nhà khoa học, các chuyên gia bằng tiếng Anh trong lĩnh vực năng lượng.
  • Có kỹ năng viết các bài báo khoa học, báo cáo kỹ thuật, giáo trình bằng tiếng Anh.
  • Có kỹ năng xây dựng nhóm nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật năng lượng để dẫn dắt nhóm một cách hiệu quả. 
  • Có khả năng thực hiện hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và đào tạo.
  • Có khả năng đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu, tham gia và tiến hành các nghiên cứu có giá trị khoa học và thời sự trong lĩnh vực năng lượng tầm quốc gia và quốc tế.  

c) Năng lực

  • Có năng lực độc lập tổ chức nghiên cứu và ứng dụng theo hướng chuyên ngành đào tạo.
  • Có năng lực, nắm bắt các công nghệ mới về kỹ thuật năng lượng.
  • Có năng lực sáng tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; có năng lực tự định hướng, thích nghi với môi trường công việc.
  • Có năng lực tự học tập, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao trình độ.
  • Có khả năng phân tích, đánh giá đưa ra các kết luận về vấn đề trong lĩnh vực kỹ thuật năng lượng.
  • Có năng lực lập kế hoạch, điều phối, phát huy trí tuệ tập thể.
  • Có năng lực cải tiến, đánh giá các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng.
  • Có năng lực lãnh đạo nhóm nghiên cứu và vận dụng được các kiến thức công nghệ mới, đa lĩnh vực vào phát triển các giải pháp, sản phẩm và ứng dụng kỹ thuật năng lượng trong các cơ quan, tổ chức.
  • Có năng lực phân tích thực tế để đưa ra các thiết kế, giải pháp phù hợp cho một hệ thống năng lượng tích hợp.
  • Có thể giảng dạy hệ Đại học, Sau Đại học trong lĩnh vực kỹ thuật năng lượng tại các trường Đại học.

1.3. Chuẩn đầu ra: Về kiến thức, kỹ năng và năng lực tự chủ và chịu trách nhiệm

NCS sau khi hoàn thành chương trình đào tạo Tiến sỹ Kỹ thuật năng lượng sẽ đạt được các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và chịu trách nhiệm theo chuẩn đầu ra sau:

 

Ký hiệu

Nội dung

Kiến thức

SO1

Có hệ thống kiến thức chuyên sâu, tiên tiến và toàn diện trong lĩnh vực kỹ thuật năng lượng

SO2

Có tư duy nghiên cứu độc lập, sáng tạo

SO3

Có khả năng làm chủ được các giá trị cốt lõi, quan trọng trong học thuật; có khả năng phát triển các nguyên lý, học thuyết, giải pháp mới trong lĩnh vực kỹ thuật năng lượng

SO4

Có kiến thức tổng hợp về pháp luật, tổ chức quản lý trong lĩnh vực năng lượng và phát triển bền vững

SO5

Có tư duy mới trong tổ chức công việc chuyên môn và nghiên cứu để giải quyết các vấn đề phức tạp phát sinh

Kỹ năng

SO6

Có kỹ năng phát hiện, phân tích các vấn đề phức tạp và đưa ra được các giải pháp sáng tạo để giải quyết trong lĩnh vực năng lượng

SO7

Có khả năng thiết lập mạng lưới hợp tác quốc gia và quốc tế trong hoạt động chuyên môn

SO8

Có năng lực tổng hợp trí tuệ tập thể, dẫn dắt chuyên môn để xử lý các vấn đề quy mô khu vực, quốc gia và quốc tế

SO9

Có trình độ tiếng Anh bậc 5/6 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam hoặc tương đương

Năng lực tự chủ và trách nhiêm

SO10

Có khả năng thích nghi với môi trường làm việc hội nhập quốc tế

SO11

Có năng lực lãnh đạo và có tầm ảnh hưởng tới định hướng phát triển chiến lược của tập thể

SO12

Có khả năng quyết định về kế hoạch làm việc, quản lý các hoạt động nghiên cứu, phát triển tri thức, ý tưởng mới, quy trình mới

 

2. Thời gian đào tạo

  • Hệ tập trung liên tục: 3 năm liên tục đối với NCS có bằng Ths, 4 năm đối với NCS có bằng ĐH.
  • Hệ không tập trung liên tục: 4 năm đối với NCS có bằng ThS, trong đó có 12 tháng đầu tiên tập trung liên tục tại Trường và 3 năm học tập, nghiên cứu tại Trường.

3. Khối lượng kiến thức

Khối lượng kiến thức bao gồm khối lượng các học phần Tiến sĩ và khối lượng của các học phần bổ sung được xác định cụ thể trong mục 4.

  • NCS đã có bằng thạc sĩ: tối thiểu 10 tín chỉ + khối lượng bổ sung (nếu có).
  • NCS mới có bằng đại học: tối thiểu 10 tín chỉ + các tín chỉ thuộc Chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Kỹ thuật năng lượng (không phải làm luận văn).

4. Đối tượng tuyển sinh

Đối tượng tuyển sinh: Các thí sinh tốt nghiệp cao học với ngành tốt nghiệp đúng với chuyên ngành kỹ thuật năng lượng, kỹ thuật nhiệt, năng lượng tái tạo; phù hợp hoặc gần với chuyên ngành kỹ thuật năng lượng. Các thí sinh tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ thuật năng lượng, kỹ thuật nhiệt, năng lượng tái tạo. Trong đó:

  • Ngành đúng với chuyên ngành Kỹ thuật năng lượng: Ngành đào tạo về kỹ thuật năng lượng, Kỹ thuật nhiệt, Năng lượng tái tạo.
  • Ngành/ Chuyên ngành phù hợp với chuyên ngành Kỹ thuật năng lượng: Các ngành có dưới 20% số học phần không trùng với số học phần của ngành Kỹ thuật năng lượng (do Hội đồng khoa học khoa xem xét quyết định);
  • Ngành/ Chuyên ngành gần với chuyên ngành Kỹ thuật năng lượng: các ngành đào tạo thuộc nhóm ngành Kỹ thuật cơ khí (hướng chuyên sâu: Cơ điện tử), Cơ khí động lực (hướng chuyên sâu: Động cơ đốt trong), Kỹ thuật điện-điện tử-tự động hóa, Vật lỹ kỹ thuật, Kỹ thuật hạt nhân; Kỹ thuật môi trường (hướng chuyên sâu: Năng lượng và môi trường), Công nghệ thực phẩm (Hướng chuyên sâu: Mấy và thiết bị thực phẩm), Kỹ thuật hóa học (hướng chuyên sâu: Công nghệ hữu cơ – hóa dầu), các ngành đào tạo có từ 20% đến 40% số học phần không trùng với số học phần của ngành Kỹ thuật năng lượng (do Hội đồng khoa học khoa xem xét quyết định);

Lưu ý: đối tượng tuyển sinh bao gồm cả các đối tượng được đào tạo ở nước ngoài với ngành phù hợp và liên quan tới nhóm ngành Kỹ thuật năng lượng.

Cụ thể như sau:

  • Các thí sinh có bằng tốt nghiệp Thạc sĩ đúng với chuyên ngành đào tạo Tiến sĩ (Kỹ thuật năng lượng, Kỹ thuật nhiệt, Năng lượng tái tạo) và có thời gian tốt nghiệp thạc sĩ tính đến thời điểm dự thi dưới 5 năm. Đây là đối tượng không phải tham gia học bổ sung, gọi là đối tượng A1.
  • Các thí sinh có bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên với ngành tốt nghiệp đúng với chuyên ngành Tiến sĩ, đây là đối tượng phải tham gia học bổ sung, gọi  là đối tượng A2.
  • Các thí sinh tốt nghiệp Thạc sĩ với chuyên ngành gần với chuyên ngành đào tạo Tiến sĩ hoặc thí sinh có bằng tốt nghiệp Thạc sĩ đúng với chuyên ngành đào đào tạo Tiến sĩ nhưng có thời gian tốt nghiệp thạc sĩ tính đến thời điểm dự thi trên 5 năm. Đây là đối tượng phải tham gia học bổ sung, gọi là đối tượng A3.

5. Quy trình đào tạo, điều kiện công nhận đạt

Quy trình đào tạo được thực hiện theo học chế tín chỉ, tuân thủ Quy định về tổ chức và quản lý đào tạo sau đại học của ĐH Điện lực và các quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo.

  • Các học phần bổ sung phải đạt mức điểm C trở lên (xem mục 6).
  • Các học phần Tiến sĩ phải đạt mức điểm B trở lên (xem mục 6).