Chung tay bảo vệ môi trường (30/09/2014)

Môi trường sống của chúng ta hiện nay đang bị ô nhiễm, điều đó là rõ ràng. Có khi nào bạn đã từng đặt ra câu hỏi vì sao môi trường bị ô nhiễm và làm cách nào để cải thiện tình hình?

Ô nhiễm môi trường phát sinh từ chính con người. Chất thải mà ta thải vào môi trường hiện nay có rất nhiều loại: chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt... đã gây nên vấn nạn ô nhiễm. Ở bài viết này ta chỉ đề cập đến chất thải sinh hoạt, bởi nó rất gần với cuộc sống quanh ta và là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường sống.

Với quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa mà nước ta đang trên đà theo đuổi dẫn tới quá trình đô thị hóa tăng nhanh, kéo theo đó là lượng rác thải cũng tăng cao. Không đề cập tới địa phương, thành phố nào xa xôi mà ngay tại thủ đô Hà Nội, nơi bao người đang sinh sống, học tập và làm việc thì ô nhiễm môi trường đã là mối lo không của riêng ai. Theo thống kê của ngành môi trường thành phố Hà Nội, trung bình mỗi ngày một người dân có 0,5 kg rác thải sinh hoạt, với số dân hiện nay của thành phố khoảng...thì thành phố có tới 3,5 nghìn tấn rác. Tuy nhiên, theo thống kê chưa đầy đủ của ngành thì mới chỉ thu gom xử lý được gần 80% lượng rác thải. Còn hơn 20% lượng rác thải (vài trăm tấn) vẫn bị thải trực tiếp ra ngoài môi trường làm cho cống thoát nước bị tắc dẫn tới Hà Nội bị ngập lụt mỗi khi trời mưa, môi trường không khí bị ô nhiễm bởi bụi và mùi của rác thải.

Mặc dù 80% lượng rác thải được thu gom và xử lý, nhưng thực trạng xử lý rác của thành phố hiện nay là: thu gom và tập kết rác vào buổi đêm sau đó chở rác ra ngoại thành, đổ ở những bãi rác và được người xử lý rác chôn lấp sâu xuống lòng đất. Tuy nhiên, đôi khi lượng rác đó cũng không được xử lý ngay mà phải lâu sau lượng rác đó mới được xử lý khiến cho mùi hôi thối của rác thải bốc lên người dân đi qua phải nín thở. Người dân đi qua đó là vậy, vậy còn người sinh sống ở khu vực đó thì sao, họ phải sống chung với mùi ô nhiễm đó. Không chỉ không khí bị ô nhiễm mà đất, nước ở đó cũng bị ô nhiễm. Từ đó phát sinh các bệnh truyền nhiễm như tả, lỵ, thương hàn...Đó là 80% lượng rác được xử lý,còn 20% còn lại thì người dân đổ bừa bãi ở các gốc cây, đầu đường, góc hẻm, các dòng sông, lòng hồ hoặc rác thải lộ thiên mà không được xử lý. Đây sẽ là nơi nuôi dưỡng ruồi nhặng, dán chuột,… là nguyên nhân lây truyền mầm bệnh, gây mất mỹ quan môi trường xung quanh.

Mặt khác, rác thải hữu cơ phân hủy tạo ra mùi và các khí độc hại như CH4, CO2, NH3,... gây ô nhiễm môi trường không khí. Nước thải ra từ các bãi rác ngấm xuống đất, nước mặt và đặc biệt là nguồn nước ngầm gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Vậy làm sao để xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường đó?

Để trả lời câu hỏi này ta cần phải thẳng thắn xem xét phương thức xử lý rác thải hiện nay. Hiện trạng thu gom rác và xử lý rác của các công ty môi trường hiện vẫn chưa hợp lý. Thường thì rác thải được chôn lấp, nhưng thời gian phân hủy của rác thải vô cơ là rất lâu nên biện pháp này không phải là biện pháp tối ưu nhất. Cũng có nhiều nơi xử lý rác thải bằng cách đốt rác nhưng lại sinh ra lượng khói thải độc hại vào môi trường và lãng phí năng lượng sinh khối.

Vậy nên ta cần áp dụng nghiêm túc biện pháp phân loại chất thải thành 3 loại riêng biệt theo quy định: rác hữu cơ, rác vô cơ, giấy, vải, thủy tinh, rác kim loại. Rác hữu cơ có thể đưa đến nhà máy xử lý rác thải để sản xuất phân vi sinh. Các loại rác còn lại: giấy, vải, thủy tinh, kim loại,... đưa đến cơ sở tái chế hàng hóa. Việc phân loại rác nên được phân loại ngay từ khi phát sinh để đạt được hiệu quả cao hơn. Đối với mỗi gia đình, các công ty xử lý rác cần phải hướng dẫn người dân phân loại rác làm ba loại theo quy định nhằm gia tăng lợi ích cá nhân cũng như cộng đồng. Đầu tư đẩy mạnh công nghệ xử lý rác thải để công tác thu gom và xử lý rác đạt hiệu quả hơn cũng là việc cần làm.

Về phía chính quyền, mỗi khu dân cư cần có những hoạt động tuyên truyền về hậu quả của việc xả rác bừa bãi, biện pháp xử lý rác, thậm chí có những hoạt động thi đua trong công tác giữ gìn vệ sinh môi trường… nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống. Đối với các em nhỏ ta cần xây dựng ý thức bảo vệ môi trường cho các bé ngay từ khi mới biết nhận thức, điều này cần có các bậc phụ huynh làm tấm gương cho các bé noi theo.

Đối với tất cả các cơ sở giáo dục, cần giảng dạy các nội dung về lĩnh vực môi trường để cho tất cả các học sinh, sinh viên nắm được nhằm góp phần bảo vệ môi trường.

Với tình trạng như vậy mỗi sinh viên, đặc biệt là sinh viên ngành môi trường như chúng ta cần phải làm gì?

Chúng ta có thể tham gia Câu lạc bộ sinh viên tình nguyện, tổ chức các hoạt động làm sạch đường phố, trường học xung quanh nơi ta đang sống theo các kỹ năng môi trường mà ta có. Mỗi chúng ta hãy hạn chế sử dụng túi nilong hoặc có thể tái sử dụng chúng mỗi khi đi mua đồ như củ quả hay đồ khô, thậm chí có thể tích lại và gửi cho các cô bán hàng vừa vì mục đích môi trường lại vừa đạt hiệu quả tuyên truyền bảo vệ môi trường. Thay vì sử dụng túi nilong chúng ta còn có thể sử dụng giỏ mua hàng, túi giấy, sử dụng các sản phẩm không gây hại tới môi trường. Ngoài ra với các sản phẩm nhựa, giấy chúng ta có thể phân loại và bán cũng thu được một khoản nhỏ để tiết kiệm. Ở những nơi công cộng không nên tiện tay xả rác vô trật tự, phải tìm nơi có thùng rác để vứt.

Vấn đề môi trường là vấn đề cấp bách mà trách nhiệm thuộc về toàn cộng đồng chứ không chỉ là trách nhiệm của riêng cán bộ môi trường. Vì vậy, tất cả mọi người cần phải có hiểu biết nhất định về môi trường, về hành động của mình đối với rác thải. Chúng ta cần đồng lòng hành động bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.

 

Trần Thị Tuyết – D7QLMT