Đánh giá ảnh hưởng của COVID-19 tới chất lượng môi trường nước sông qua thành phố Hà Nội trong bốn tháng đầu năm 2020

Cuộc sống của con người đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong quý I năm 2020 do đại dịch COVID-19. Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, tất cả các ngành công nghiệp, giao thông đi lại và cuộc sống của con người…bị ảnh hưởng. Đã từ lâu, các hoạt động công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong vòng hai thập kỷ trở lại đây đã được chứng minh là nguyên nhân khiến cho môi trường sống của con người bị ô nhiễm nghiêm trọng. Sự kiện COVID-19 đã khiến cho tất cả các hoạt động này ngưng lại trong vòng vài tháng, điều này là động lực để nhóm tác giả tiến hành quan trắc chất lượng nước tại 06 vị trí dọc sông Đáy, đoạn tiếp nhận nước thải sinh hoạt từ thành phố Hà Nội trong bốn tháng đầu năm 2020 (Hình 1).

Hình 1: Vị trí các điểm quan trắc trên sông Đáy (được đánh thứ tự từ D1 tới D6). Các đường màu trắng là ranh giới hành chính của các tỉnh, đường màu đỏ là ranh giới lưu vực sông Đáy, và các đường màu xanh thể hiện hệ thống sông thuộc lưu vực.


Nghiên cứu này đưa ra những nhận định ban đầu của nhóm nghiên cứu dựa trên các kết quả đo đạc tại hiện trường và phân tích phòng thí nghiệm. Các chỉ tiêu đo được tại hiện trường cho thấy, nước sông đục hơn so với cùng kỳ của năm 2019. Các chỉ tiêu dinh dưỡng (amoni và nitrat) phân tích tại phòng thí nghiệm cho thấy chất lượng nước sông Đáy đoạn chảy qua Hà Nội có dấu hiệu xấu đi so với cùng kỳ năm 2019. Ba điểm đầu nguồn sông Đáy, nơi tiếp nhận nước thải của Hà Nội có nồng độ amoni tăng cao đặc biệt trong thời gian cách ly toàn xã hội vào tháng 4 (Hình 2). Ngoài ra, nồng độ nitrat tại tất cả các điểm quan trắc đều cao hơn so với cùng kỳ năm 2019.  Điều này minh chứng các hoạt động dân sinh và nông nghiệp tại Hà Nội, chính là nguồn gốc chính của ô nhiễm dinh dưỡng của sông Đáy.

Hình 2: So sánh nồng độ amoni trong nước sông Đáy trong 4 tháng đầu năm 2019 và 2020

Giảng viên, Tiến sỹ Đỗ Thu Nga, Khoa CNNL.