Điều hòa di động, “bình mới, rượu cũ” hay công nghệ mới
Không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu, những năm gần đây thời tiết biến đổi thật khó lường. Mùa đông thời tiết dường như lạnh hơn, còn mùa hè dường như nóng hơn trước. Trong những ngày nóng bức như thời gian vừa qua, điều hòa dường như trở thành 1 thiết bị quốc dân của những người ở thành thị: thực sự không thể thiếu. Vậy vấn đề ở đây là bạn sẽ làm thế nào nếu điều hòa căn phòng bạn đang ở bị hỏng, nếu đang họp 1 cuộc họp quan trọng ở cơ quan mà điều hòa gặp sự cố. Sẽ gọi ngay bộ phận bảo dưỡng, hay thợ sửa điều hòa chăng? Nhưng trong mùa hè, khi công việc của thợ điện lạnh luôn ngập đầu, tính cách của họ đôi khi cũng trở nên “chảnh” hơn, nên trong trường hợp xấu khi chúng ta sửa được thì “được vạ thì má đã sưng”. Những vấn đề trên có thể dễ dàng được giải quyết trong 5 phút nếu cơ quan hay nhà của bạn có thiết bị sau đây: “Điều hòa di động”.
Điều hòa di động đã có mặt tại Việt Nam từ khoảng 2012-2013 nhưng gần đây mới được nhiều người biết đến. Nội dung bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về cấu tạo loại điều hòa này và ưu nhược điểm của loại điều hòa này so với các loại điều hòa khác.
Phần I: Điều hòa di động là gì và cấu tạo của nó như thế nào?
Điều hòa di động là loại điều hòa dạng tủ, to bằng khoảng 1 chiếc vali cỡ lớn, có thể dễ dàng thay đổi vị trí hoặc nơi lắp đặt chỉ bằng 1 vài thao tác rất đơn giản mà ai cũng có thể làm được kể cả người không có hiểu biết về chuyên môn.
Hình 1: Điều hòa di động (nguồn: https://www.dienmayxanh.com).
Vậy tại sao điều hòa di động lại dường như không được nhiều người biết đến, như điều hòa 2 “cục”. Trước tiên chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về tiền thân của nó: Điều hòa cửa sổ hay còn gọi là Điều hòa 1 “cục”
I Điều hòa cửa sổ (Window type).
Những năm 70-80 của thế kỷ trước có 1 loại điều hòa khá phổ biến, đó là điều hòa cửa sổ. Loại điều hòa này có bề ngoài hình hộp chữ nhật với chiều dài/rộng/cao chừng 80/60/40cm.
Hình 2: a) Hình dáng bên ngoài; b) Hình dáng bên trong; c) Cấu tạo của điều hòa cửa sổ với các chi tiết: 1 dàn ngoài, 2 máy nén, 3 quạt hướng trục, 4 quạt ly tâm, 5 dàn trong, 6 phin lọc, 7 cửa lấy gió, 8 van hướng dòng, 9 tường ngăn.
Theo hình 2c có thể thấy nguyên lý hoạt động của loại này sử dụng 1 hệ thống lạnh gồm máy nén, dàn ngưng, dàn bay hơi, van tiết lưu (ống mao) để cấp lạnh/nóng cho hệ thống. Ngoài ra, có 2 quạt được bố trí để tăng cường hiệu quả trao đổi nhiệt của dàn. Tất cả được bố trí ở trong 1 hộp, do vậy cũng thường được gọi là điều hòa 1 “cục”, ngoài ra còn có vách ngăn giữa 2 phần bên ngoài và bên trong.
Điều hòa cửa sổ xuất hiện từ rất sớm, được sử dụng khá phổ biến trong giai đoạn cuối của thế kỷ trước, trước khi dạng điều hòa 2 “cục” xuất hiện và chiếm lĩnh thị trường. Nó có gần như đầy đủ các tính năng của điều hòa 2 “cục” như hiện giờ như: 2 chiều nóng lạnh, điều chỉnh quạt gió, hướng gió, hẹn giờ… Những ưu điểm của điều hòa cửa sổ có thể được liệt kê như sau:
- Nhỏ gọn, dễ lắp đặt. (chỉ cần đục 1 lỗ trên tường vừa với máy, gắn đường nước ngưng và cắm điện)
- Giá thành rẻ, hợp túi tiền
- Thích hợp với không gian nhỏ hẹp.
Bên cạnh đó, nó cũng có 1 số nhược điểm chí mạng. Những được điểm đó được điều hòa 2 cục khắc phục hầu hết và điều đó dẫn đến sự “tuyệt chủng” của dòng điều hòa cửa sổ. Những nhược điểm đó được liệt kê như sau:
- Công suất bé: (thông dụng chỉ có đến 9000 Btu)
- Khó bố trí, dễ bị phá vỡ kiến trúc và giảm mỹ quan
- Dàn ngoài chỉ lắp được ở 1 nơi cố định, theo vị trí của dàn trong
- Ồn, rung (do máy nén)
Theo thuyết tiến hóa của Darwin, khi sống trong môi trường khác nhau, các loài động vật cũng có sự tiến hóa để phù hợp với môi trường sống. Và, trước sự vươn lên của điều hòa 2 cục trong phân khúc nhỏ, điều hòa cửa sổ cũng phải thay đổi để “thích nghi” và “sống sót”. Dạng tiến hóa mới của nó có 1 cái tên mỹ miều: “Điều hòa di động”.
II Điều hòa di động
Hình 3: Cấu tạo của điều hòa di động.
(Nguồn: https://pt-br.facebook.com/thiennam.com.vn)
Như đã nói ở trên, điều hòa di động là 1 dạng “tiến hóa” của điều hòa 1 cục, tức là về bản chất nó vẫn gồm các thiết bị như điều hòa cửa sổ, nhưng có 1 số điểm khác mà ta có thể thấy như hình trên như sau:
- Dưới chân có gắn bánh xe, giúp điều hòa có thể dễ dàng di chuyển được đến nơi mong muốn.
- Khoang trong/ngoài như điều hòa của sổ được chuyển thành dạng dưới/trên ở điều hòa di động.
- Có ống dẫn hơi nóng/lạnh ra ngoài môi trường.
- Trong hệ thống được bố trí thêm 1 bơm nước ngưng, bơm lên giàn ngưng trong chế độ làm việc mùa hè giúp tăng cường hiệu quả giải nhiệt giàn ngưng.
- Được bổ sung công nghệ inverter, giúp tiết kiệm điện năng.
- Nhỏ gọn, nhẹ (chừng 30-35kg), 1 người có thể mang vác dễ dàng.
- Dễ bố trí, có thể đặt ở bất cứ đâu trong nhà.
Như chúng ta có thể thấy, điều hòa di động đã giảm bớt được khá nhiều nhược điểm của điều hòa cửa sổ, thậm chí là cũng có những ưu thế nhất định đối với điều hòa 2 cục. Vậy tại sao điều hòa di động vẫn chỉ được “nhiều người biết đến” mà vẫn chưa được sử dụng phổ biến. Điều này sẽ được trình bày tại Phần II: Phân tích ưu nhược điểm của điều hòa di động.
Giảng viên, ThS. Trần Văn Tuấn, Khoa CNNL.